TRUNG TÂM TƯ VẤN ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐA KHOA ONLINE TÁI TẠO SỨC KHỎE
Đăng ký tư vấn bác sĩ

Tổng quan về bệnh Loãng xương

Loãng xương là một bệnh diễn tiến từ từ, thầm lặng cho đến khi nó gây ra những biến chứng nặng nề như gãy xương, tàn phế, giảm tuổi thọ.Tại Việt Nam, theo số liệu khảo sát ban đầu của Viện dinh dưỡng, có khoảng 1/3 phụ nữ và 1/8 đàn ông trên 50 tuổi bị loãng xương. Đây là một vấn đề cần được mỗi người dân ý thức và phòng chống vì bản thân cũng như gia đình, xã hội.

Loãng xương là gì

Loãng xương là tình trạng rối loạn chuyển hóa của xương dẫn đến giảm độ chắc của xương, khiến xương trở nên giòn và dễ gãy hơn. Độ chắc của xương dựa vàohai yếu tố khối lượng và chất lượng xương.

Yếu tố nguy cơ của loãng xương

Những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi như:

  • Giới tính: phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mãn kinh có nguy cơ loãng xương tăng cao hơn hẳn so với nam giới cùng độ tuổi do tổng khối lượng xương thường thấp hơn.
  • Tuổi tác: độ tuổi càng cao, càng có nguy cơ loãng xương.
  • Kích thước cơ thể: những phụ nữ gầy, nhẹ cân có nguy cơ bị loãng xương cao hơn.
  • Tiền sử gia đình có người từng bị loãng xương hoặc gãy xương hông
  • Mãn kinh trước 45 tuổi
  • Đã từng bị gãy xương
  • Có các bệnh đi kèm như: bệnh nội tiết, viêm khớp dạng thấp, bệnh thận hoặc hội chứng Cushing
  • Chủng người da trắng hoặc người châu Á

Những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi bao gồm:

  • Nội tiết tố giới tính: nồng độ estrogen thấp do kinh nguyệt không đều hoặc thời kỳ mãn kinh có thể gây ra bệnh loãng xương ở phụ nữ. Trong khi đó, nồng độ testosterone thấp có thể gây ra loãng xương ở nam giới.
  • Chế độ ăn ít canxi và vitamin D
  • Chán ăn tâm thần
  • Dùng một số loại thuốc như corticosteroid hoặc heparin trong thời gian dài
  • Lười vận động, lối sống tĩnh tại
  • Bệnh nặng nằm lâu có thể gây yếu xương
  • Hút thuốc: thuốc lá rất có hại cho xương, cũng như tim và phổi.
  • Uống nhiều rượu rượu: uống quá nhiều rượu có thể làm xương yếu đi và dễ gãy

Phân loại loãng xương

Loãng xương người già: là do các tế bào tạo xương bị lão hóa, sự hấp thu calci bị giảm, sự suy giảm của các hormone sinh dục nam và nữ. Loại này thường xuất hiện trễ (khoảng 70 tuổi), diễn biến chậm, ít có biến chứng nặng nề như gẫy xương hay lún xẹp các đốt sống

Loãng xương sau mãn kinh: sự giảm đột ngột hormone sinh dục nữ oestrogen khi mãn kinh có thể dẫn tới loãng xương, thường gặp ở nữ 50-55 tuổi, đã mãn kinh

Loãng xương thứ phát: Là loãng xương tìm thấy được nguyên nhân liên quan đến một số bệnh mạn tính, sử dụng thuốc. Ví dụ: cường giáp, viêm khớp dạng thấp, suy dinh dưỡng, sử dụng corticoid, heparin, lợi tiểu kéo dài…

Các dấu hiệu báo động loãng xương

Loãng xương là bệnh diễn biến âm thầm, không có triệu chứng lâm sàng đặc trưng, chỉ biểu hiện rõ khi đã có biến chứng.

  • Đau dọc các xương dài, đau nhức đầu xương
  • Đau vùng xương chịu gánh nặng của cơ thể như: cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối, có thể đau âm ỉ mãn tính, tăng lên khi vận động hay đau cấp dữ dội
  • Biến dạng cột sống: Gù, vẹo, giảm chiều cao do thân các đốt sống bị gãy

Gãy xương: các vị trí thường gặp là gãy cổ xương đùi, gãy các đốt sống (lưng và thắt lưng); xuất hiện sau chấn thương rất nhẹ, thậm chí không rõ chấn thương.

Chẩn đoán loãng xương

Theo Tổ chức y tế thế giới, loãng xương được chẩn đoán dựa trên mật độ chất khoáng của xương (Bone Mineral Density - BMD) theo chỉ số T-Score.

  1. Xương bình thường: T- score ≥ - 1
  2. Thiếu xương: - 1 > T- score > - 2,5
  3. Loãng xương : T - score ≤ - 2,5
  4. Loãng xương nặng : T-score ≤ -2,5SD và bệnh nhân có tiền sử hoặc hiện tại có một hay nhiều vị trí gãy xương.

* Đối với người trẻ, phụ nữ chưa mãn kinh và đàn ông dưới 50 tuổi thì các chuyên gia áp dụng Z-score

 

Tầm soát loãng xương

Theo khuyến cáo của Hiệp hội chống loãng xương thế giới, những người trên 50 tuổi, có một trong những yếu tố sau nên đo mật độ xương:

  1. Giảm chiều cao ≥ 3cm (so với độ tuổi 20-30)
  2. Cân nặng dưới 40 kg, hay giảm trọng lượng quá nhanh trong thời gian gần đây
  3. Thiếu estrogen ở nữ như sau khi mãn kinh, cắt buồng trứng. Hoặc thiếu androgen ở nam trên 50 tuổi.
  4. Tiền sử gãy xương: Có cha mẹ hoặc bản thân đã bị gãy cổ xương đùi sau một chấn thương nhẹ ở tầm thấp
  5. Tiền sử hoặc hiện tại có dùng corticoid liều bất kỳ liên tục trong thời gian trên 3 tháng
  6. Sử dụng chất kích thích: Uống rượu: ≥ 8g cồn tinh hoặc 375ml bia 60 hoặc 30ml rượu mạnh/ ngày; Hay hút thuốc lá ≥ 20 điếu/ ngày.

Ngoài ra, một số tổ chức khuyến cáo nên tầm soát loãng xương cho tất cả phụ nữ trên 65 tuổi, sau mãn kinh.

Điều trị loãng xương

Điều trị không dùng thuốc:

  • Chế độ ăn uống: Bổ sung nguồn thức ăn giàu calci (theo nhu cầu của cơ thể: từ 1.000-1.500mg/ngày, từ các nguồn: thức ăn, sữa, thực phẩm chức năng và dược phẩm), hạn chế sử dụng thuốc lá, cà phê, rượu... tránh thừa cân hoặc thiếu cân.
  • Chế độ sinh hoạt: Tăng cường vận động phù hợp với tuổi tác và tình trạng của cơ thể, tăng dẻo dai cơ bắp, tránh té ngã...
  • Phơi nắng vào buổi sáng để hấp thu vitamin D

Điều trị dùng thuốc: Tuân thủ điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Phòng bệnh loãng xương

  • Cung cấp đầy đủ calci, vitamin D và các dưỡng chất cần thiết chung cho cơ thể trong suốt cuộc đời, theo nhu cầu của từng lứa tuổi và tình trạng cơ thể. Hãy tìm đến sự tư vấn của bác sĩ để có lời khuyên đúng đắn và phù hợp với bản thân nhé
  • Duy trì chế độ vận động thường xuyên, tập có kháng lực để giúp xương chắc khỏe, tăng sự khéo léo, sức mạnh cơ, sự thăng bằng để giảm khả năng té ngã, gãy xương

Hạn chế một số thói quen: Hút thuốc lá, uống rượu nhiều, nhiều cà phê, lỗi sống tĩnh tại

ĐĂNG KÝ ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN MIỄN PHÍ
zalo